Blog

Cây hoa giấy bị úng nước: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử lý

Cây hoa giấy bị úng nước: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử lý

Nội dung

Với nhiều sắc màu rực rỡ, dễ trồng, hoa giấy từ lâu đã trở thành loài cây cảnh được nhiều người yêu thích. Người ta thường hoa giấy ở tường rào, cổng ngõ nhằm tạo bóng mát và điểm nhấn nổi bật cho ngôi nhà. Tuy nhiên, cũng như nhiều loài cây cảnh khác, nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng hoa giấy cũng rất dễ mắc bệnh, hay bị sâu hại tấn công. Trong đó, tình trạng cây hoa giấy bị úng nước cũng là vấn đề thường xuyên xảy ra.

Vậy dấu hiệu cây hoa giấy bị úng nước là gì? Có thể khắc phục tình trạng trên bằng cách nào? Cùng Greenvibes nghiên cứu ngay qua bài viết sau đây!

Dấu hiệu cây hoa giấy bị úng nước

Việc quan sát, tìm hiểu những dấu hiệu cây hoa giấy bị úng nước sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm và sớm giúp cây hồi phục. Dưới đây là một số dấu hiệu cây hoa giấy bị úng nước dễ nhận biết mà bạn cần ghi nhớ:

Cây không phát triển

Bạn có thể sớm nhận biết cây hoa giấy bị úng nước nếu phát hiện trên thân cây có nhiều mảng màu nâu, và cây gần như không phát triển.

Trên thực tế, nếu rễ cây hoa giấy bị úng nước, chúng sẽ không còn khả năng vận chuyển các chất dinh dưỡng để nuôi cây. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc cây hoa giấy sẽ không thể tiếp tục phát triển, các cành lá hiện tại cũng dần héo úa và chết đi. Thậm chí nếu bạn không phát hiện kịp thời và vẫn tiếp tục tưới nước, cây sẽ chết.

Dấu hiệu cây hoa giấy bị úng nước
Dấu hiệu cây hoa giấy bị úng nước

Cây bị mùi hôi, bị rêu mốc

Một cách nhận biết cây hoa giấy bị úng nước đơn giản khác đó chính là sự xuất hiện của những mảng rêu xung quanh gốc cây. Những mảng rêu này thường mọc thành từng cụm nhỏ, có màu trắng hoặc xanh lục. Ngoài ra, bạn cũng có thể sẽ ngửi thấy mùi hôi, mùi ẩm mốc khó chịu từ những chiếc rễ bị úng nước lâu ngày. Nếu xuất hiện tình trạng trên, chắc chắn rằng cây hoa giấy của bạn đang trong tình trạng ngập úng. Bạn nên tìm hiểu và đưa ra các phương án xử lý kịp thời.

Màu sắc lá thay đổi

Khi lá cây bỗng chuyển dần sang màu xanh nhạt, kèm theo đó là những đốm vàng nhỏ xuất hiện dày đặc khắp mặt lá, đây cũng là những tín hiệu cho thấy cây hoa giấy bị úng nước do không nhận được đủ chất dinh dưỡng. Thậm chí ở một số cây, chồi sẽ chậm phát triển và dần chuyển sang màu nâu, lá cũng bắt đầu vàng úa bất thường, hay xảy ra tình trạng khô cháy mép lá.

Tại sao cây hoa giấy bị úng nước?

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây hoa giấy bị úng nước. Bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống tưới tiêu không hợp lý, hay mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp, đất trồng có khả năng thoát nước kém,... Cụ thể hơn, dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:

  • Đất trồng cây thiếu oxi, từ đó khiến cho quá trình hấp thụ dưỡng chất trong đất, hay quá trình trao đổi khí của cây bị hạn chế.
  • Khi cây được cung cấp lượng nước quá lớn so với nhu cầu, hay thể tích chậu, diện tích đất trồng cây,... Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật yếm khi trong đất sinh sôi và phát triển. Từ đó hình thành nên CO2, các loại axit hữu cơ, hay một số chất độc hại gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe cây trồng.
  • Giá thể bết, không tơi xốp và có khả năng thoát nước kém, dẫn đến hiện tượng muối tích tụ bên trong đất, tác động xấu đến cây hoa giấy.
  • Các tuyến trùng phát triển, tạo nên các vết thương và bệnh bứu rễ cho cây. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm hại xâm nhập.

>>> Đừng bỏ qua: Trồng cây hoa giấy trước nhà có tốt không? Có nên trồng không?

Cách cứu cây hoa giấy bị úng nước

Khi cây hoa giấy bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bị úng nước, bạn cần đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời, nếu không cây sẽ suy yếu và chết đi rất nhanh. Dưới đây là các bước cứu cây hoa giấy bị úng nước mà bạn có thể tham khảo:

Bước 1: Đặt cây dưới ánh nắng mặt trời

Bạn cần lưu ý, khi phát hiện cây hoa giấy bị úng nước, hãy ngay lập tức ngừng tưới và mang cây vào bóng râm, hoặc tìm cách che chắn cho cây. Việc này sẽ giúp thân và lá của cây được bảo vệ và hạn chế bị thoát nước. Bởi đây là thời điểm rễ cây không có khả năng tiếp tục hút nước, nếu để cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ khiến ngọn và lá cây bị héo.

Cách cứu cây hoa giấy bị úng nước
Cách cứu cây hoa giấy bị úng nước

Bước 2: Lấy cây ra khỏi chậu

Bạn nên mang cây ra khỏi chậu để cây nhanh khô hơn. Sau đó sẽ tiếp tục thay đất, thay chậu để cây có môi trường sinh trưởng tốt và nhanh chóng hồi phục. Trước tiên, bạn hãy vỗ nhẹ giá thể để loại bỏ bụi bẩn còn bám trên rễ. Tiếp theo, hãy cẩn thận đưa cây ra khỏi chậu, lưu ý không làm hỏng hay tổn thương rễ. Bạn có thể chậm rãi tách bóc lớp đất cũ, đồng thời phủi sạch đất còn sót lại trên rễ.

Trong quá trình đưa cây sang chậu mới, bạn tuyệt đối không được sử dụng lại đất đã bị nấm móc, rong rêu. Bởi phần đất này đã chứa nhiều rễ cây  mục nát, có mùi hôi, và không còn là môi trường phù hợp để cây tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt.

Bước 3: Xử lý cây bị úng nước

Để giúp cây nhanh chóng phục hồi hơn, bạn cũng cần cắt tỉa những đoạn cây đã bị giập, mục nát, những cành lá đã khô héo. Đồng thời những phần rễ bị hỏng cũng cần được cắt bỏ, chỉ giữ lại phần rễ còn rắn chắc và trắng khỏe.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tỉa bớt phần ngọn cây, loại bỏ bớt lá và cành để tập trung dinh dưỡng nuôi các bộ phận quan trọng khác của cây. Đồng thời tạo nên sự cân bằng giữa kích thước cây và kích thước của bộ rễ.

Cắt tỉa bớt ngọn cây hoa giấy
Cắt tỉa bớt ngọn cây hoa giấy

Bước 4: Thay đất cho cây

Theo kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh, môi trường đất trồng tơi xốp, có độ thông thoáng cao sẽ rất thích hợp để trồng cây. Lời khuyên dành cho bạn đó là hãy trồng cây vào những loại chậu có nhiều lỗ thoát nước. Để tăng khả năng thoát nước cho cây, bạn hãy sử dụng thêm một lớp giá thể viên đất nung và lót dưới đáy chậu.

Nhằm giúp bề mặt đặt chậu cây không bị bẩn, cũng như để bảo vệ bộ rễ hiệu quả, bạn hãy sử dụng thêm khay hứng nước để giữ lại nước thừa trong quá trình tưới cây. Với những chậu cây đã có lỗ thoát nước, bạn có thể tái sử dụng. Tuy nhiên hãy đảm bảo chúng đã được vệ sinh sạch sẽ, được loại bỏ hoàn toàn những loại nấm mốc, rêu, hay các phần rễ cây bị hỏng còn sót lại.

Bước 5: Trồng lại cây

Nhẹ nhàng đặt cây vào chậu đất đã chuẩn bị, sau đó lấp đất xung quanh, nén nhẹ đất để cố định vị trí của cây. Lúc này bạn không nên để cây tiếp xúc với nhiệt độ quá cao mà nên che chắn cây cẩn thận. Đây được xem là một cách làm hiệu quả để cây giữ được nước mà không cần tưới quá nhiều. Sau khi đã trồng cây vào chậu, nếu lớp đất phía trên cùng bị khô, bạn đã có thể bắt đầu tưới nước cho cây.

Bước 6: Phục hồi rễ cây

Thời điểm này, bạn cần thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất bằng các thiết bị đo độ ẩm chuyên dụng, hoặc sử dụng tay, đũa gỗ,... Khi nền đất đã thực sự khô ráo, hãy tiếp tục tưới thêm nước cho cây để rễ cây nhanh chóng hấp thu. Sau khoảng từ 7 - 10 lần tưới, cây hoa giấy bị úng nước sẽ hồi phục hoàn toàn, bộ rễ cũng bắt đầu khỏe mạnh hơn. Đây là thời điểm thích hợp để bạn bón thêm phân cho cây.

Lưu ý rằng bạn chỉ nên bón phân với liều lượng vừa đủ, hoặc sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đặc biệt không nên bón phân quá sớm, hay ngay khi cây bắt đầu xuất hiện các chồi non mới. Bón phân lúc này sẽ khiến các rễ non, chồi non dễ bị hư hại và xảy ra tình trạng ngộ độc phân bón.

>>> Xem thêm: Tại sao cây hoa giấy không ra hoa? Cách chăm sóc cây ra hoa

Lưu ý khi tưới nước cho cây hoa giấy

Như đã đề cập, việc tưới quá nhiều nước cho cây và tưới liên tục là nguyên nhân hàng đầu khiến cây hoa giấy bị úng nước. Vậy nên để hạn chế điều này, bạn cần ghi nhớ một số lưu ý sau đây:

  • Trong giai đoạn cây hoa giấy đang rộ hoa, bạn có thể tưới nước thường xuyên để hoa có màu sắc rực rỡ và tươi lâu.
  • Sau đợt hoa đầu tiên, khi đã cắt tỉa lại các nhánh cây, bạn có thể tưới bổ sung phân NPK pha loãng để cây  luôn xanh tốt. Thời điểm này nên ngưng tưới nước khoảng vài ngày (hoặc chỉ tưới vừa đủ để giữ ẩm cho cây).
  • Khi hoa giấy sắp tàn, bạn có thể bón phân NPK ở gốc và kết hợp với tưới giữ ẩm cho cây.
  • Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra tình trạng đất thường xuyên để điều chỉnh chế độ tưới thích hợp. Khi đất tơi, không có sự kết dính, đó chính là đất khô và cần được tưới nước kịp thời. Khi bạn vo đất và cảm nhận chúng có sự kết dính, điều này chứng tỏ đất vẫn còn ẩm. Khi bạn nhận thấy đất chứa nhiều nước, các thành phần của đất khó tách rời nhau, thì đó chính là đất đang bị úng nước.

>>> Có thể bạn sẽ quan tâm: Cây hoa giấy hợp mệnh gì? Tuổi nào? Ai nên trồng?

Lời kết

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về dấu hiệu cây hoa giấy bị úng nước, cũng như phương hướng xử lý kịp thời và giúp cây hồi phục nhanh chóng. Hy vọng rằng thông qua bài viết trên, bạn đã có thêm thật nhiều thông tin hữu ích về cách chăm sóc hoa giấy. Từ đó áp dụng và giúp những chậu cây của mình luôn được tươi tắn, tràn đầy sức sống. Chúc bạn thành công!

Tags :  

Chia sẻ bài viết :  

Bài viết khác

Back to top